Mô tả
Hệ thống lọc nước Giếng Khoan bằng công nghệ mới, giúp chủ đầu tư tối ưu diện tích xây dựng và giá thành đầu tư hệ thống xử lý. Việt nam là quốc gia có nguồn nước ngầm khá phong phú về trữ lượng và chất lượng. Nước ngầm tồn tại trong các kẽ rỗng và các khe nứt của đất đá. Nguồn nước ngầm được tạo thành trong giai đoạn trầm tích đất đá hoặc do sự thẩm thấu của nguồn nước mặt , nước mưa… nước ngầm có thể tồn tại cách mặt đất vài mét, vài chục mét, hàng trăm mét và có thể còn sâu hơn nữa.
Đối với các công ty, hộ gia đình hay các khu đô thị, khu công nghiệp …. thì việc lựa chọn nguồn nước ngầm để khai thác vẫn luôn được ưa thích lựa chọn. Bởi vì các nguồn nước mặt thường bị ô nhiễm và lưu lượng khai thác phải phụ thuộc vào sự biến động theo mùa còn nguồn nước ngầm ít chịu tác động của con người .
Chất lượng nước ngầm thường tốt hơn chất lượng nước mặt nhiều. Trong nước ngầm hầu như không có các hạt keo tụ hay các hạt lơ lửng và vi sinh , vi trùng gây bệnh thấp. Các nguồn nước ngầm hầu như không chứa rong tảo, một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm nguồn nước. Thành phần đáng quan tâm trong nước ngầm là các tạp chất hoà tan do ảnh hưởng của điều kiện địa tầng, thời tiết, nắng mưa, các quá trình phong hoá và sinh hoá trong khu vực. Ở những vùng có điều kiện phong hoá tốt, có nhiều chất bẩn và lượng mưa lớn thì chất lượng nước ngầm dễ bị ô nhiễm bởi các chất khoáng hoà tan, các chất hữu cơ, mùn lâu ngày theo nước mưa ngấm vào đất.
Chất lượng nước ngầm phụ thuộc vào thành phần khoáng hóa và cấu trúc địa tầng mà nước thấm qua. Do vậy nước chảy qua các địa tầng chứa cát và granit thường có tính axit và chứa ít chất khoáng. Khi nước ngầm chảy qua địa tầng chứa đá vôi thì nước thường có độ cứng và độ kiềm hydrocacbonat khá cao. Ngoài ra nước ngầm còn có những đặc tính chung:
-
- Độ đục thấp.
- Nhiệt độ và thành phần hóa học tương đối ổn định.
- Không có oxy nhưng có thể chứa nhiều khí như: CO2, H2S,…
- Chứa nhiều khoáng chất hòa tan chủ yếu là: Fe, Mn, Ca, Mg,…
- Không có hiện diện của vi sinh vật.
1:Tính chất của nước ngầm. Hệ thống lọc nước Giếng Khoan
Ảnh sưu tầm
Thành phần và tính chất của nước ngầm phụ thuộc rất nhiều vào nguồn gốc, cấu trúc địa tầng của khu vực và chiều sâu của lớp nước ngầm.
Ở những vùng có điều kiện phong hoá tốt, mưa nhiều hoặc bị ảnh hưởng của nguồn nước thải thì trong nước ngầm dễ bị ô nhiễm bởi các chất khoáng hoà tan, các chất hữu cơ.
Bản chất địa chất của khu vực ảnh hưởng lớn đến thành phần hoá học của nước ngầm vì nước luôn tiếp xúc với đất đá trong đó nó có thể lưu thông hoặc bị giữ lại.
Giữa nước và đất luôn hình thành nên sự cân bằng về thành phần hoá học, vì vậy thành phần của nước thể hiện thành phần của địa tầng khu vực đó.
Tuy vậy, nước ngầm có một số đặc tính chung là: độ đục thấp, nhiệt độ và thành phần hoá học ít thay đổi theo thời gian, ngoài ra nước ngầm thường chứa rất ít vi khuẩn, trừ trường hợp nguồn nước bị ảnh hưởng của nước bề mặt.
Các đặc tính của nước ngầm:
-
- Nhiệt độ của nước ngầm tương đối ổn định.
- Độ đục thường thay đổi theo mùa.
- Độ màu: Thường thì không có màu.
- Độ khoáng hoá thường không thay đổi.
- Sắt và mangan thường có mặt với các hàm lượng khác nhau.
- CO2 thường xâm thực với hàm lượng lớn.
- Ôxi hoà tan thường không có.
- H2S thỉnh thoảng có mặt trong nước ngầm.
- NH4+ thường có mặt trong nước ngầm.
- Nitrat, Silic có hàm lượng đôi khi cao.
- Ít bị ảnh hưởng bởi các chất vô cơ và hữu cơ.
Trong nước ngầm thường không có mặt oxi hoà tan nhưng có hàm lượng CO2 cao, thường có hàm lượng sắt tổng cộng với các mức độ khác nhau, từ vài mg/l đến 100 mg/l hoặc lớn hơn, vượt xa tiêu chuẩn cho phép với nước ăn uống sinh hoạt. Do đó cần phải có giải pháp xử lý hiệu quả trước khi đưa vào sử dụng.
2: Ưu điểm khi sửu dụng nước ngầm. Hệ thống lọc nước Giếng Khoan
Nước ngầm là tài nguyên ít chịu ảnh hưởng của các yếu tố khí hậu như hạn hán.
Chất lượng nước tương đối ổn định, ít bị biến động theo mùa như nước mặt.
Chủ động hơn trong vấn đề cấp nước cho các vùng hẻo lánh, dân cư thưa, nhất là trong hoàn cảnh hiện nay bởi vì nước ngầm có thể khai thác với nhiều công suất khác nhau.
Nguồn nước ngầm rất dễ khai thác có thể sử dụng các thiềt bị điện như bơm ly tâm, máy nén khí, bơm chìm hoặc các thiết bị không cần điện như các loại bơm tay.
Giá thành đầu tư hệ thống xử lý và lượng hóa chất tiêu thụ nhìn chung rẻ hơn so với nước mặt.
3:Nhược điểm khi sử dụng nước ngầm. Hệ thống lọc nước Giếng Khoan
Một số nguồn nước ngầm ở tầng sâu được hình thành từ hàng trăm, hàng nghìn năm và ngày nay nhận được rất ít sự bổ cập từ nước mưa. Và tầng nước này nói chung không thể tái tạo hoặc khả năng tái tạo rất hạn chế. Do vậy trong tương lai cần phải tìm nguồn nước khác thay thế khi các tầng nước này bị cạn kiệt.
Việc khai thác nước ngầm với qui mô và nhịp điệu quá cao cũng sẽ làm cho hàm lượng muối trong nước tăng lên từ đó dẫn đến việc tăng chi phí cho việc xử lý nước trước khi đưa vào sử dụng.
Khai thác nước ngầm với mật độ cao sẽ làm cho mực nước ngầm hạ thấp xuống, một mặt làm cho quá trinh nhiễm mặn tăng lên, mặt khác làm cho nền đất bị võng xuống gây hư hại các công trình xây dựng-một trong các nguyên nhân gây hiện tượng lún sụt đất.
Khai thác nước ngầm một cách bừa bãi cũng dễ dẫn tới tình trạng ô nhiễm nguồn nước ngầm.
4: Các Ion có trong nước ngầm. Hệ thống lọc nước Giếng Khoan
Ảnh sưu tầm
-
Ion Canxi Ca 2+.
Nước ngầm có thể chứa Ca2+ với nồng độ cao.Trong đất thường chứa nhiều CO2 do quá trình trao đổi chất của rễ cây và quá trình thủy phân các tạp chất hữu cơ dưới tác động của vi sinh vật.Khí CO2 hòa tan trong nước mưa theo phản ứng sau:
CO2 + H2O -> H2CO3
Axít yếu sẽ thấm sâu xuống đất và hòa tan canxicacbonat tạo ra ion Ca2+.
2H2CO3 + 2CaCO3 -> Ca(HCO3)2 + Ca2+ + 2HCO3–.
-
Ion magie Mg 2+.
Nguồn gốc của các ion Mg 2+ trong nước ngầm chủ yếu từ các muối magie silicat và CaMg(CO3)2, chúng hòa tan chậm trong nước chứa khí CO2 .Sự có mặt Ca2+ và Mg2+ tạo nên độ cứng của nước.
-
Ion Na+ .
Sự hình thành của Na+ trong nước chủ yếu theo phương trình phản ứng sau:
2NaAlSi3O3 + 10H2O -> Al2Si2(OH)4 + 2Na+ + 4H4SiO3
Na+ cũng có thể có nguồn gốc từ NaCl, Na2SO4 là những muối có độ hòa tan lớn trong nước biển.
-
Ion NH4+.
Các ion NH4+ có trong nước ngầm có nguồn gốc từ các chất thải rắn và nước sinh hoạt, nước thải công nghiệp,chất thải chăn nuôi,phân bón hóa học và quá trình vận động của nitơ.
-
Ion sunfat SO42-.
Có nguồn gốc từ muối CaSO4.7H2O hoặc do quá trình oxy hóa FeS2 trong điều kiện ẩm với sự có mặt của O2.
2FeS2 + 2H2O +7O2 -> 2Fe2+ + 4SO42- + 4H+
-
Ion clorua Cl–.
Có nguồn gốc từ quá trình phân ly muối NaCl hoặc nước thải sinh hoạt.
-
Ion sắt.
Sắt trong nước ngầm thường tồn tại dưới dạng ion Fe2+ ,kết hợp với gốc bicacbonat,sunfat,clorua,đôi khi tồn tại dưới keo của axit humic hoặc keo silic.Các ion Fe2+ từ các lớp đất đá được hòa tan trong nước, trong điều kiện yếm khí sau:
4Fe(OH)3 + 8H+ ->4Fe2+ + O2 + 10H2O
Sau khi tiếp xúc với oxy hoặc các tác nhân oxy hóa,ion Fe2+ bị oxy hóa thành ion Fe3+ và kết tủa thành các bông cặn Fe(OH)3 có màu nâu đỏ.Vì vậy,khi vừa bơm ra khỏi giếng, nước thường trong và không màu, nhưng sau một thời gian để lắng trong những thiết bị chứa nước và cho tiếp xúc với O2 nước trở nên đục dần và đáy thiết bị chứa nước xuất hiện cặn màu đỏ hung.
Trong các nguồn nước mặt sắt thường tồn tại thành phần của các hợp chất hưu cơ. Nước ngầm trong các giếng sâu có thể chứa sắt ở dạng hóa trị II của các hợp chất sunfat và clorua. Nếu trong nước tồn tại đồng thời đihyđrosunfua (H2S) và sắt thì sẽ tạo ra cặn hòa tan sunfua sắt FeS. Khi làm thoáng khử khí CO2, hyđrocacbonat sắt hóa trị II sẽ dễ dàng bị thủy phân và bị oxy hóa để tạo thành hyđroxyt sắt hóa trị III.
4Fe2+ + 8HCO3– + O2 + 2H2O –> 4Fe(OH)3 + 8CO2
Với hàm lượng sắt cao hơn 0.5mg/l, nước có mùi tanh khó chịu, làm vàng quần áo khi giặt, làm hỏng sản phẩm của các ngành dệt may, giấy, phim ảnh, đồ hộp. trên giàn làm nguội trong các bể chứa, sắt hóa trị II bị oxy hóa thành sắt hóa trị III,tạo thành bông cặn, các cặn sắt kết tủa có thể làm tắc hoặc giảm khả năng vận chuyển của các ống dẫn nước.Một số ngành công nghiệp có yêu cầu nghiêm ngặt đối với hàm lượng sắt như dệt,giấy,sản xuất phim ảnh…
Nước có chứa ion sắt,khi trị số pH<7.5 là diều kiện thuận lợi để vi khuẩn sắt phát triển trong các đường ống dẫn,tạo ra cặn lắng gồ ghề bám vào thành ống làm giảm khả năng vận chuyển và tăng sức cản thủy lực của ống.
-
Ion mangan .
Mangan thường tồn tại song song với sắt ở dạng ion hóa trị II trong nước ngầm và dạng keo hữu cơ trong nước mặt. Do vậy việc khử mangan thường được tiến hành đồng thời với khử sắt. Các ion mangan cũng được hòa tan trong nước từ các tầng đất đá ở điều kiện yếm khí như sau:
6MnO2 + 12H+ -> 6Mn2+ +3O2 +6H2O
Mangan II hòa tan khi bị oxy hóa sẽ chuyển dần thành mangan IV ở dạng hydroxyt kết tủa, quá trình oxy hóa diễn ra như sau:
2Mn(HCO3)2 + O2 + 6H2O -> 2Mn(OH)4 + 4HCO3–
Khi nước ngầm tiếp xúc với không khí trong nước xuất hiện cặn hydroxyt sắt sớm hơn vì sắt dễ bị oxy hóa hơn mangan, phản ứng oxy hóa sắt bằng oxy hòa tan trong nước xảy ra ở trị số pH thấp hơn so với mangan. Cặn mangan hóa trị cao là chất xúc tác rất tốt trong quá trình oxy hóa khử mangan cũng như khử sắt. Cặn hydroxyt mangan hóa trị IV Mn(OH)4 có màu hung đen.
Trong thực tế cặn và chất lắng đọng trong đường ống, trên các công trình là do hợp chất sắt và mangan tạo nên. Vì vậy, tùy thuộc vào tỷ số của chúng, cặn có thể có màu từ hung đỏ đến màu nâu đen.
Với hàm lượng tương đối thấp, ít khi vượt quá 5 mg/l. Tuy nhiên, với hàm lượng mangan trong nước lớn hơn 0,1 mg/l sẽ gây nhiều nguy hại trong việc sử dụng, giống như trường hợp nuớc chứa sắt với hàm lượng cao.
5: Các chất khí trong nước Ngầm. Hệ thống lọc nước Giếng Khoan
-
O2 hòa tan.
Tồn tại rất ít trong nước ngầm. Tùy thuộc vào nồng độ của khí oxy trong nước ngầm, có thể chia nước ngầm thành 2 nhóm chính sau:
+ Nước ngầm yếm khí: trong quá trình lọc qua các tầng đất đá, oxy trong nước bị tiêu thụ, khi lượng oxy bị tiêu thụ hết, các chất hòa tan như Fe2+, Mn2+ sẽ tạo thành nhanh hơn.
+ Nước dư luợng oxy hòa tan: trong nước có oxy sẽ không có các chất khử như NH4+, H2S, CH4. Ðó chính là nước ngầm mạch nông. Thường khi nước có dư lượng oxy sẽ có chất luợng tốt. Tuy nhiên, nuớc ngầm mạch nông phụ thuộc nhiều vào nguồn nước mặt, nếu nước mặt bị ô nhiễm thì nó cũng sẽ bị ảnh hưởng.
-
H2S.
Hydrosunfua được tạo thành trong điều kiện yếm khí từ các hợp chất humic với sự tham gia của vi khuẩn.
2SO42- + 14H+ + 8e– -> 2H2S + 2H2O + 6OH–
-
Metan CH4 và khí CO2.
Ðược tạo thành trong điều kiện yếm khí từ các hợp chất humic với sự tham gia của vi khuẩn:
4C10H18O10 + 2H2O -> 21CO2 + 19CH4
Nồng độ các tạp chất chứa trong nước ngầm phụ thuộc và các vị trí địa lý của nguồn nước, thành phần các tầng đất đá trong khu vực, độ hòa tan của các hợp chất trong nước, sự có mặt của các chất dễ bị phân hủy bằng sinh hóa trong chất đó.
Nước ngầm cũng có thể bị nhiễm bẩn do các tác động của con người như phân bón,chất thải hóa học, nước thải sinh hoạt và công nghiệp, hóa chất bảo vệ thực vật. Do vậy các khu vực khai thác nước ngầm cấp cho sinh hoạt và công nghiệp cần phải được bảo vệ cẩn thận, tránh bị nhiễm bẩn nguồn nước. Ðể bảo vệ nguồn nước ngầm cần khoanh vùng khu vực bảo vệ và quản lý, bố trí các nguồn thải ở khu vực xung quanh.
Tóm tắt.
Tóm lại, trong nước ngầm có chứa các cation chủ yếu là Na+, Ca2+,Mn2+, NH4+ và các anion HCO3–, SO42-, Cl–. Trong đó các ion Ca2+ , Mg2+ chỉ tồn tại trong nước ngầm khi nước này chảy qua tầng đá vôi. Các ion Na+,Cl– ,SO42- có trong nước ngầm trong các khu vực gần bờ biển, nước bị nhiễm mặn. Ngoài ra,trong nước ngầm có thể có nhiều nitrat do phân bón hóa học của người dân sử dụng quá liều lượng cho phép. Thông thường thì nước ngầm chỉ có các ion Fe2+,Mn2+,khí CO2, còn các ion khác đều nằm trong giới hạn cho phép của TCVN đối với nước cấp cho sinh hoạt.
6: Hệ thống xử lý nước ngầm:
Phương pháp Ô xy hóa trong hệ thống lọc nước Giếng Khoan.
Tùy thuộc vào hàm lượng Fe2+ và Mn có trong nước ngầm mà người ta lựa chọn các
phương pháp khử sắt khác nhau:
- Ô xy hóa Fe2+ thành Fe3+.
Làm thoáng bằng dàn mưa:
Dàn mưa lấy cảm hứng từ những cơn mưa lên dòng nước sẽ được chia ra thành nhiều tia nhỏ trên một diện tích rộng, mục đích của dàn mưa là đưa được những nguyên từ ô xy có trong không khí hòa tan vào trong nước nguồn. Khi ngậm đủ lượng Ô xy cần thiết hàm lượng Fe2+ sẽ bị chuyển đổi thành Fe+3+ và hàm lượng Mn2+ sẽ chuyển đổi thành Mn4+
Làm thoáng cưỡng bức:
Tháp làm thoáng cưỡng bức là một khâu đột phá trong lĩnh vực xử lý nước. Dòng nước sẽ đi qua một thiết bị thu nhỏ dòng nước lại rồi đi qua một quãng đường ngắn giúp hút lượng ô xy có trong không khí vào trong nước. Quá trình ô xy hóa bằng tháp làm thoáng cao hơn dàn mưa gấp 2 lần nếu thiết kế chuẩn.
Trong nước ngầm, ngoài Fe 2+còn có HS– , S2-(H2S) có tác dụng khử dối với sắt nên ảnh hưởng đến quá trình oxy hóa sắt.
2H2S + O2 → 2S + 2H2O
Nếu trong nước có oxy hòa tan thì phản ứng oxy hóa S2- xảy ra trước sau đó mới tiếp tục oxy hóa Fe2+ thành Fe3+. Vì vậy, ta tính toán lượng oxy cung cấp để dủ oxy hóa Fe2+ thành Fe3+ để đạt tiêu chuẩn cấp nước.
Bể lắng trong hệ thống lọc nước Giếng Khoan.
Lắng là quá trình tách hạt rắn lơ lửng ra khỏi nước dưới tác dụng của trọng lực, nhằm làm sạch sơ bộ nguồn nước trước khi thực hiện quá trình lọc. Quá trình lắng phụ thuộc vào kích thước, hình dạng, trọng lượng riêng của các hạt, đồng thời phụ thuộc vào trạng thái của nước Các hạt rắn không hòa tan này có tỷ trọng lớn hơn tỷ trọng của nước.
Bể lắng thường được chia ra thành các loại khác nhau dựa theo chuyển động của dòng nước: Bể lắng ngang, bể lắng đứng…
Bể lắng ngang trong hệ thống lọc nước giếng khoan.
Nhiệm vụ của bể lắng là tạo điều kiện tốt để lắng các hạt cát kích thước lớn hơn hoặc bằng 0,2 mm và tỷ trọng lớn hơn hoặc bằng 2,6 để loại trừ hiện tượng bào mòn các cơ cấu chuyển động cơ khí và giảm lượng cặn nặng tụ lại trong bể lắng.
Trong bể lắng ngang, quỹ đạo chuyển động của các hạt cặn tự do là tổng hợp của lực rơi tự do và lực đẩy của nước theo phương nằm ngang và có dạng đường thẳng. Trường hợp lắng có dùng chất keo tụ, do trọng lực của hạt tăng dần trong quá trình lắng nên quỹ đạo chuyển động của chúng có dạng đường cong và tốc độ lắng của chúng cũng tăng dần. Các bể lắng ngang thường được sử dụng khi lưu lượng nước lớn hơn 3000 m3/ngày đêm.
Bể lắng ngang là bể lắng hình chữ nhật làm bằng gạch hoặc bê tong cốt thép.
Cấu tạo bể lắng ngang bao gồm bốn bộ phận chính: Bộ phận phân phối nước vào bể, vùng lắng cặn, hệ thống thu nước đã lắng, hệ thống thu xả cặn.
Bể lắng đứng trong hệ thống lọc nước Giếng Khoan
Bể lắng đứng nước chuyển động theo phương thẳng đứng từ dưới lên trên, còn các hạt cặn rơi ngược chiều với chiều chuyển động của dòng nước từ trên xuống. Bể lắng đứng thường có mặt bằng hình vuông hoặc hình tròn. Ứng dụng cho trạm có công suất nhỏ (Q ≤ 5000 m3/ngđ).
Nước được chảy qua ống trung tâm ở giữa bể rồi đi xuống phía dưới qua bộ phận hãm làm triệt tiêu chuyển động xoáy rồi đi vào vùng lắng, chuyển động theo chiều đứng từ dưới lên trên. Các hạt cặn có tốc độ lắng lớn hơn tốc độ chuyển động của nước tự lắng xuống, các hạt còn lại bị dòng nước cuốn lên trên, kết dính với nhau ( trường hợp có sử dụng chất keo tụ) trở thành hạt có kích thước lớn dần, đến khi trọng lực đủ lớn, thắng lực đẩy của nước thì chúng sẽ tự lắng xuống.
Bể lắng đứng được chia thành hai vùng: vùng lắng có dạng hình trụ hoặc hình hộp ở trên và vùng chứa, nén cặn có dạng hình côn ở phía dưới, cặn được đưa ra ngoài theo chu kỳ bằng ống qua van xả cặn.
Nước trong được thu ở phía trên của bể lắng thông qua hệ thống máng vòng xung quanh bể hoặc các ống máng có đục lỗ.
Bể lọc trong hệ thống lọc nước Giếng Khoan.
Ảnh sưu tầm
Bể lọc được dung để lọc một phần hay toàn bộ cặn bẩn có trong nước tùy thuộc vào yêu cầu đối với chất lượng nước của các đối tượng dùng nước.
Quá trình lọc nước là cho nước đi qua lớp vật liệu lọc với một chiều dày nhất định đủ để giữ lại trên bề mặt hoặc giữa các khe hở của lớp vật liệu lọc các hạt cặn và vi trùng có trong nước. Hàm lượng cặn còn lại trong nước sau khi qua bể lọc phải đạt tiêu chuẩn cho phép.
Quá trình rửa ngược trong hệ thống lọc nước Giếng Khoan.
Sau một thời gian làm việc, lớp vật liệu lọc bị bí lại, làm tốc độ lọc giảm dần. Để khôi phục lại khả năng làm việc của bể lọc phải thổi rửa bể lọc bằng nước hoặc gió, nước kết hợp để loại bỏ cặn bẩn ra khỏi lớp vật liệu lọc. Bể lọc luôn luôn phải hoàn nguyên. Chính vì vậy quá trình lọc nước được đặc trưng bởi thông số cơ bản: Tốc độ lọc và chu kỳ lọc. Tốc độ lọc là lượng nước được lọc qua một đơn vị diện tích bề mặt của bể lọc trong một đơn vị thời gian (m3/h). Chu kỳ lọc là khoảng thời gian giữa hai lần rửa lọc T (h).
Vật liệu lọc trong hệ thống lọc nước Giếng Khoan:
Vật liệu lọc là bộ phận cơ bản của các bể lọc, nó đem lại hiệu quả làm việc và tính kinh tế của quá trình lọc. Vật liệu lọc hiện nay được dùng phổ biến nhất là cát thạch anh tự nhiên.
Ngoài ra còn có tể sử dụng một số vật liệu lọc khác như: Cát thạch anh, than antraxit, Mangan… Vật liệu lọc phải đảm bảo các yêu cầu sau: Giá thành rẻ, dễ tìm, dễ vận chuyển; độ đồng nhất cao về thành phần; độ đồng nhất về kich thước hạt càng to càng tốt; có độ bền cơ học cao; có độ bền hóa học cao.
Phân loại các loại bể lọc trong hệ thống lọc nước Giếng Khoan.
Theo tốc độ lọc: Bể lọc nhanh, bể lọc chậm, bể lọc cao tốc.
Theo chế độ dòng chảy: Bể lọc trọng lực, bể lọc áp lực.
Theo chiều của dòng nước: Bể lọc xuôi, bể lọc ngược, bể lọc hai chiều.
Theo số lượng lớp vật liệu lọc: Bể lọc một lớp, bể lọc hai lớp…
Theo cỡ hạt lớp vật liệu lọc: Bể lọc hạt nhỏ.
Sau đây sẽ trình bày một số loại bể lọc:
Bể lọc nhanh trong hệ thống lọc nước Giếng Khoan.
Ảnh sưu tầm
Theo nguyên tắc cấu tạo và hoạt động, bể lọc nhanh bao gồm bể lọc một chiều và bể lọc hai chiều.
Nước từ bể lắng đưa vào lọc có thể đi qua lớp vật liệu lọc từ trên xuống ( lọc xuôi), từ dưới lên ( lọc ngược), hoặc cả hai chiều ( lọc hai chiều), qua hệ thống thu nước trong sau đó được chuyển sang bể chứa nước sạch.
Sử dụng dòng chảy từ trên xuống (lọc xuôi) có ưu điểm là tạo được động lực cho quá trình lọc nhờ áp lực của nước nhưng nhược điểm là sau khi rửa lọc hiệu quả lọc bị giảm do khi rửa lọc có thể làm cho các hạt lọc bé bị đẩy lên trên và các hạt to bị giữ lại ở đáy, do vậy khi lọc sẽ nhanh tắc bể lọc hơn.
Sử dụng dòng chảy ngược chiều từ dưới lên trên sẽ khắc phục được hiện tượng trên, khả năng giữ lại chất bẩn cũng tăng lên vì tốc độ của hạt cặn chịu ảnh hưởng của hai lực ngược chiều nhau: lực đẩy của dòng nước và trọng lực của hạt cặn. Nhưng khuyết điểm là khó vệ sinh và phải thay mới vật liệu lọc.
Hiệu quả làm việc của bể lọc phụ thuộc vào kết quả của quá trình rửa lọc. Nếu rửa không sạch, bể lọc làm việc không đạt hiệu quả mong muốn, chu kỳ làm việc của bể bị rút ngắn. Để rửa bể lọc nhanh có thể dùng hai phương pháp: rửa bằng nước thuần túy hoặc rửa bằng nước và gió kết hợp.
Rửa lọc gồm 4 bước:
Bước 1: Xác định thời điểm rửa lọc bằng cách đo chênh lệch áp suất trước và sau bể lọc.
Bước 2: Cho khí, nước hoặc dòng khí và nước qua hệ thống phân phối nước rửa lọc ngược chiều với chiều lọc.
Bước 3: Cho nước vào bể đến mực nước thiết kế, cho bể làm việc.
Bước 4: Xả bỏ lược nước ban đầu trong khoảng 10 phút vì chất lượng nước lọc ngay sau rửa lọc không đảm bảo.
Bể lọc chậm:
Ảnh sưu tầm
Lọc chậm thường được áp dụng cho xử lý nước uống, đôi khi còn được sử dụng cho các mục đích cấp nước khác.
Do đặc điểm của bể là tốc độ lọc chậm nên hiệu quả làm sạch nước cao, loại trừ được đến 90 – 95% cặn bẩn và vi trùng trong nước. Nhược điểm của phương pháp này là tốn diện tích xây dựng do diện tích lọc lớn, khó khăn trong việc cơ giới hóa và tự động hóa quá trình rửa lọc. Vì vậy, lọc chậm thường không được áp dụng đối với nhà máy có công suất lớn.
Bể lọc chậm đạt được hiệu quả cao trong việc loại bỏ cặn bẩn lơ lửng vì vật liệu lọc là các hạt cát mịn nhưng chỉ áp dụng đối với nguồn nước có độ đục dưới 50mg/l, trường hợp nước có độ đục cao hơn cần có xử lý sơ bộ trước khi đưa vào bể lọc chậm ( lắng keo tụ, lọc nhanh…), nếu nguồn nước bị nhiễm bẩn rong tảo cần có biện pháp ngăn ngừa.
Nguyên lý làm việc của bể lọc chậm:
Trước khi cho bể hoạt động cần đưa nước dâng dần từ dưới lên để đuổi hết không khí ra khỏi lớp cát lọc.
Khi nước dâng cao hơn mặt cát lọc 20 – 30cm thì ngừng cấp nước và cho nước nguồn vào bể đến độ cao thiết kế.
Điều chỉnh tốc độ lọc cho bể làm việc theo đúng tốc độ tính toán.
Trong quá trình lọc, cặn bẩn trong nước thô sẽ được tích lũy ở lớp màng mỏng trên cùng của lớp vật liệu lọc, tạo thành lớp màngmỏng, làm giảm khe rỗng giữa các hạt vật liệu lọc làm tổn thất áp lực tăng lên, đến khi đạt giới hạn nhất định cần ngừng vận hành và tiến hành rửa lọc.
Mức độ tổn thất áp lực càng tăng khi hàm lượng cặn trong nước càng lớn, vận tốc lọc càng cao và kích thước hạt vật liệu càng nhỏ. Tổn thất áp lực của bể lọc thường được tính bằng thực nghiệm.
Sang –
Chào bạn, Cần tư vấn hệ thống lọc nước Giếng Khoan công nghiệp.
Nhu cầu sử dụng: 300 – 350m3/ngày đêm. sử dụng cho trang trại chăn nuôi Heo.
Bạn tư vấn giúp mình nhé.
linhnx –
Chào bạn, rất cảm ơn bạn đã quan tâm đến sản phẩm lọc công ty chúng tôi.
Tôi xin tư vấn bạn như sau:
1: Nước bạn lọc song để chăn nuôi heo, chính vì vậy lý do đó chất lượng nước sau lọc không cần yêu cầu lọc sạch như các hệ xử lý nước cấp cho sinh hoạt.
Thiết bị xử lý chỉ cần trong, loại bỏ các vi khuẩn gây bệnh trong nước nguồn là đạt.
2: Với như cầu sử dụng 300 – 350m3/ngày đêm, bạn nên lựa chọn thiết bị lọc nước đầu nguồn công suất 20m3/giờ, tương ứng với lưu lượng xử lý đạt max là 480m3/ngày đêm.
Thiết bị sau xử lý đáp ứng các tiêu chuẩn cho nước sạch chăn nuôi.
Đơn giá thiết bị phụ thuộc vào từng khu vực địa lý trên lãnh thổ Việt Nam.
Giá dao động từ 200 – 800 triệu VNĐ.
Bạn cho mình xin mẫu nước, vị trí địa lý trang trại bên quý công ty, để bên mình có được những tư vấn chuẩn xác nhất.
Thắc mắc xin vui lòng liên hệ: 0982 779 311.
linhnx –
Bạn có thể tham khảo thêm các sản phẩm tại: https://yeumoitruong.com.vn/san-pham/thiet-bi-loc-nuoc-gieng-khoan/