Những nguyên nhân làm ô nhiễm nguồn nước

Một mẫu nước được coi là nước bẩn nếu các nguyên nhân gây ô nhiễm nguồn nước và tồn tại vượt mức cho phép. Các tác nhân đó thường được phân loại theo nhiều cách khác nhau. Trong đó, cách phân loại phổ biến chia các tác nhân này theo 4 nhóm chính:

Chất gây ô nhiễm vật lý
Chất gây ô nhiễm hóa học
Chất gây ô nhiễm sinh học
Chất gây ô nhiễm phóng xạ

Cụ thể, thông tin về các chất này được trình bày cụ thể dưới đây.

Ô nhiễm nguồn nước bởi tác nhân vật lý

Chất gây ô nhiễm vật lý chính là các thành phần làm thay đổi đặc tính vật lý của nước.

Phổ biến nhất trong nhóm này là các cặn bẩn có kích thước nhỏ có thể có mặt trong nước sinh hoạt. Nước lấy trực tiếp từ tự nhiên như nước sông suối, ao hồ thường có thành phần này. Ngoài ra, nước giếng khoan khai thác từ nguồn nước ngầm cũng thường có cặn bẩn nếu không được xử lý kỹ lưỡng.

Các cặn bẩn có thể thuần túy chỉ làm bẩn nước về mặt vật lý. Song, nếu các cặn đó được tạo nên từ các thành phần độc hại, chúng có thể làm thay đổi đặc tính hóa học của nước và khiến nước có hại cho người sử dụng. Với sự gia tăng của tình trạng ô nhiễm môi trường nước hiện nay, các chất ô nhiễm vật lý thường gây hại cả về mặt hóa học.

Ngoài ra, hạt vi nhựa với kích thước rất nhỏ đang là một vấn đề gây nhức nhối đối với môi trường. Môi trường nước có thể chứa rất nhiều hạt vi nhựa. Hàng tỷ người trên thế giới hiện đang hấp thụ hạt vi nhựa vào cơ thể thông qua thức ăn và nước uống. Các nghiên cứu về hạt vi nhựa hiện vẫn còn hạn chế. Song, bạn nên chú ý tới yếu tố gây ô nhiễm này, bởi chúng ta chưa thể loại trừ khả năng chúng có thể gây hại cho cơ thể của bạn.

Ô nhiễm nguồn nước bởi tác nhân hóa học

Bên cạnh các tác nhân vật lý, các tác nhân hóa học có thể làm thay đổi chất lượng của nước mà bạn không hề hay biết. Có rất nhiều thành phần hóa học độc hại không hề có màu – mùi – vị, song lại chứa độc tính.

Đối với nước sinh hoạt, các chất độc vô cơ và chất khử trùng hiện nhận được rất nhiều sự chú ý từ những nhà môi trường học. Cụ thể, thông tin về các chất ô nhiễm hóa học khiến nước bẩn như sau:

Ô nhiễm nguồn nước bởi tác nhân vô cơ

Có rất nhiều chất gây ô nhiễm vô cơ tồn tại trong nước. Trong đó, các chất dưới đây cần nhận được sự chú ý đặc biệt của người dân:

Chì

Chì là một kim loại có thể tồn tại trong nước. Kim loại này thường xâm nhập vào nước sinh hoạt thông qua hệ thống đường ống đã cũ. Đây là một tác nhân rất có hại, bởi nó có thể ảnh hưởng trực tiếp lên sức khỏe của phụ nữ có thai và trẻ nhỏ.

Asen

Asen được coi là một trong những chất vô cơ có độc tính cao nhất. Asen có thể tồn tại trong nước lâu năm mà người sử dụng không hề hay biết. Sau khi sử dụng nước chứa asen lâu ngày, cơ thể con người sẽ gặp phải rất nhiều vấn đề nghiêm trọng. Cụ thể, các vấn đề đó bao gồm các tổn thương nội tạng như tim, thận, bàng quang, phổi. Ngoài ra, hệ thống thần kinh trung ương, thần kinh ngoại biên và hệ tuần hoàn cũng bị ảnh hưởng bởi asen. Thậm chí, người dùng nước chứa asen lâu ngày có thể bị ung thư.

Flo

Flo là một thành phần thường được thêm vào nước để tăng cường sức khỏe răng miệng cộng đồng ở một số quốc gia. Tuy nhiên, hàm lượng flo trong nước cần được kiểm soát chặt chẽ. Theo Cơ quan Bảo vệ Môi trường Hoa Kỳ EPA, nước có chứa quá 4mg Flo trên mỗi lít sẽ gây ra các bệnh về xương cho người sử dụng nước. Nếu trẻ em dưới 9 tuổi sử dụng nước có khoảng 2mg Flo trên mỗi lít, răng của trẻ sẽ có nguy cơ bị xỉn và rỗ.

Các chất khử trùng

Hiện nay, tình trạng ô nhiễm môi trường nước đang ngày càng gia tăng. Điều này đặt ra không ít thách thức cho những đơn vị xử lý nước. Để nước có thể đảm bảo chất lượng, các đơn vị này cần phải sử dụng tới các chất khử trùng. Nhóm các chất khử trùng có thể loại bỏ rất nhiều thành phần độc hại trong nước bẩn, đặc biệt là các vi sinh vật. Tuy nhiên, dư lượng của các chất khử trùng có thể lưu lại trong nước và gây ra các vấn đề cho sức khỏe.

Các chất khử trùng phổ biến có thể còn dư lại trong nước bao gồm clo, chloramin và clo dioxit. Các ảnh hưởng chủ yếu của dư lượng chất khử trùng lên sức khỏe là kích ứng tại mắt, mũi và dạ dày. Đặc biệt, clo dioxit có thể ảnh hưởng đến hệ thần kinh và gây thiếu màu ở trẻ nhỏ. Điều tương tự cũng xảy đến với thai nhi nếu người mẹ uống nước có chúa clo dioxit trong quá trình mang thai.

Ô nhiễm nguồn nước bởi tác nhân sinh học

Khi nói tới chất gây ô nhiễm sinh học làm bẩn nước, vi sinh vật chính là nhóm yếu tố được nhắc tới nhiều nhất.

Trong số các vi sinh vật này, các vi sinh vật dưới đây thường được tìm thấy trong nước:

Coliform
Giardia lamblia
Cryptosporidium

Các vi sinh vật này là các ký sinh trùng tồn tại trong nước. Chúng xâm nhập vào nước thông qua chất thải của con người và động vật. Thông thường, sự có mặt của các vi sinh vật này có thể cảnh báo rằng đã có vấn đề xảy ra với hệ thống xử lý nước thải hoặc đường ống nước. Các tác nhân này chủ yếu gây bệnh cấp tính về đường tiêu hóa. Song, trong một số trường hợp hãn hữu, tác hại mà chúng gây ra có thể là rất nặng. Thậm chí, trên thế giới đã ghi nhận các ca tử vong gây ra do vi sinh vật trong nước.

Các chất gây ô nhiễm phóng xạ

Một thành phần vô hình khác làm cho nước bẩn chính là các chất gây ô nhiễm phóng xạ. Nhóm các chất này có thể được chia thành hai nhóm chính:

Chất phóng xạ phát ra tia alpha

Chất phóng xạ phát ra tia beta và photon.

Trong nhóm này, Radium là Radon là hai chất phổ biến thường gặp và rất có hại đối với cơ thể.
Các chất phóng xạ trong nước thường không gây ra hậu quả cấp tính. Nhưng nếu một người sử dụng nước chứa chất phóng xạ trong nhiều ngày. Các chất đó sẽ tích lũy trong cơ thể. Lâu dần, ung thư là bệnh có nguy cơ rất cao tiến triển trong cơ thể của những người đó.

Rác thải có chứa chất phóng xạ cần được xử lý một cách nghiêm ngặt. Tại các nước phát triển, sự rò rì của chất thải phóng xạ là một hiện tượng đang gia tăng. Điều này gây ra rất nhiều nguy cơ cho môi trường nói chung và môi trường nước nói riêng.

Leave a Comment