Hệ thống xử lý nước thải công nghiệp

Giới thiệu hệ thống xử lý nước thải công nghiệp

Mô tả

Hệ thống xử lý Nước thải Công Nghiệp được xây dựng nhằm loại bỏ các thành phần ô nhiễm có trong nước thải để tái quay vòng sử dụng hoặc thải ra ngoài môi trường. Nước thải công nghiệp muốn thải ra môi trường bắt buộc phải thỏa mãn được các quy chuẩn do nhà nước quy định, cụ thể như QC 40:2011 BTNMT quy định. Muốn thỏa mãn được các yêu cầu đó nước thải công nghiệp phải đưa qua các đơn vị xử lý nhằm loại bỏ các chất ô nhiễm có trong nước thải trước khi xả ra môi trường.

Thiết kế hệ thống xử lý nước thải công nghiệp không chỉ đòi hỏi trình độ của người thiết kế mà còn phụ thuộc vào cái tâm và cái tầm của người thiết kế. Tại sao tôi lại nói về cái tâm, vì cái tâm là cái chúng ta mang theo suốt quãng đời để hành nghề.

Chúng ta sẽ làm hết sức có thể để đạt được mục đích chung không chỉ của riêng bản thân mà là của cả một cộng đồng. Còn cái tầm muốn thiết kế hệ thống xử lý nước thải công nghiệp thì trình độ người thiết kế ít nhất phải trên 10 năm lăn lộn với nghề, trải qua hàng ngàn công trình lớn nhỏ thì mới đủ năng lực để nhìn thấy những điểm được và chưa được của hệ thống.

Trải qua nhiều chưa chắc các bạn đã giỏi mà quan trọng nhất là các bạn phải biết lăn lộn với đủ loại nước thải, có thể chui xuống các hệ thống xử lý cũ kỹ để tìm hiểu các nguyên nhân và đặc điểm của các hệ thống cũ, để rồi đúc kết lại những kinh nghiệm quý báu cho bản thân, nếu các bạn theo nghề 10 năm hay 20 năm mà các bạn chỉ đứng và chỉ tay năm ngón thì các bạn không hiểu hết đâu, không giỏi hơn được đâu.

Mọi thông tin chỉ nằm trên giấy. bản thân tôi làm về xử lý nước hơn 10 năm, nhớ ngày mới vào nghề đầu óc chỉ nghĩ làm chỉ 5 năm là hiểu hết từ A ==> Z nhưng giờ hơn 10 năm trong nghề vậy mà vẫn còn nhiều điều phải học hỏi. Đúng là ” Học nữa, học mãi” các bạn nhỉ?

Thôi không miên man nữa, chúng ta cùng nhau tìm hiểu về hệ thống xử lý nước thải công nghiệp:

Đặc điểm nước thải công nghiệp. Hệ thống xử lý nước thải công nghiệp

Những điều tôi viết dưới đây do quá trình tôi làm việc và đúc kết lại, chác còn nhiều thiếu sót mong mọi người góp ý để bài viết ngày một hoàn thiện hơn.

Nước thải công nghiệp gồm 3 loại nước chính:

  1. Nước thải sản xuất của các loại ngành nghề có trong khu công nghiệp.
  2. Nước thải sinh hoạt của khu văn phòng, nhà ăn….
  3. Nước thải chứa nước mưa ngấm vào đường ống chung.

==> Nhìn chung thì nước thải công nghiệp chỉ sợ nhất là các ngành nghề sản xuất đặc thù, còn nước thải sinh hoạt thì cành nhiều cành tốt vì chúng giúp hòa trộn và làm giảm hàm lượng ô nhiễm của nước thải công nghiệp. Còn nước mưa đừng bảo không đáng ngại nhé vì nếu hệ thống đường ống thu gom không tốt, lượng nước mưa tràn về với lưu lượng cực lớn sẽ gây quá tải cho hệ thống ngay lập tức, chính vì vậy đường ống thu gom nước thải phải được kiểm tra thường xuyên, tránh hiện tượng nước thải tràn ra môi trường mà còn giúp hệ thống không bị quá tải.

Đặc trưng ô nhiễm của nước thải:

  • Nước thải công nghiệp ô nhiễm chủ đạo là : COD, BOD, SS, PH chất hoạt động bề mặt, tổng N, Tổng P…
  • Nước thải sinh hoạt: NH3, NH4, Dầu mỡ, vi khuẩn…
  • Nước mưa: Rác, cát và có một lượng acid lên PH sẽ hơi thấp hơn 1 chút.

Hiện nay các khu công nghiệp đều yêu cầu các công ty có hệ thống xử lý nước thải nhỏ lẻ để khi về hệ thống xử lý nước thải tập trung sẽ không bị quá tải, giảm chi phí vận hành. Tuy nhiên vẫn có 1 vài công ty xả trộm lên cũng khó kiểm soát.

Công nghệ xử lý nước thải công nghiệp. Hệ thống xử lý nước thải công nghiệp

Tôi rất lười vẽ CAD vì vậy tôi sẽ viết cho nhanh nhé:

Nước thải tập kết theo đường ống ==> Hệ thống tác rác, tách cát ==> hồ điều hòa ==> Máy bơm cấp với lưu lượng điều chỉnh thích hợp ==> Bể kỵ khí ==> Hồ sinh học ==> Bể lắng ==> bể lọc ==> bể khử trùng ==> xả ra môi trường.

Hệ thống đường ống thu gom thì tôi sẽ không nhắc đến nữa, bởi vì hệ thống này chỉ thiết kế đủ lưu lượng, chống thấm tốt là oki rồi.

 Hệ thống tách rác. Hệ thống xử lý nước thải công nghiệp

ảnh sưu tầm.

 Hiện nay các khu công nghiệp đa phần đều sử dụng hệ thống tác rác tự động. Nếu kinh tế tốt các bạn chỉ cần tìm mua các hệ thống tách rác tự động, với yêu cầu đề ra là rất nhiều đơn vị sẽ tư vấn cho các bạn giải pháp hiệu quả rồi. Các bạn chỉ cần đưa ra lưu lượng họ sẽ tính toán hết cho các bạn.

Còn nếu mức đầu tư của bạn hạn chế thì việc thiết kế một hệ thống tách rác thủ công cũng hết sức đơn giản. Tôi thường lựa chọn tách rác bằng 3 công đoạn: Thô, Trung bình, tinh.

  1. Mương tách rác thô có kích thước lớn, sử dụng tác thanh Inox hộp hàn thành tấm như một bức tường, song cách song 3 – 5Cm nhằm loại bỏ các loại rác có kích thước lớn như túi nilon, chai nhựa… Mương tách này lên để hở 1 đoạn từ 2 – 4m để công nhân vớt rác hàng ngày tránh tình trạng rác thải quá nhiều gây quá tải cho dòng chảy.
  2. Mương tách rác trung bình: sử dụng các thanh Inox đan theo hình Vuông có kích thước 1 – 2 Cm. Song chắn rác này đặt sau song chắn rác tinh từ 2 – 3m để làm khoảng không để công nhân đủ tiết diện để thao tác vớt rác.
  3. Bể bẫy cát: có nhiều kiểu thiết kế khác nhau nhưng tôi hay thiết kế mương bẫy cát nằm sau song chắn rác thô và trước song chắn rác tinh, bởi vì nếu bạn đặt sau song chắn rác tinh có thể lượng cát sẽ gây tắc dưới chân song chắn rác tinh sẽ rất khó để vệ sinh. Bể bẫy cát được thiết kế với diện tích bề rộng lớn hơn gấp 2 – 3 lần mương dẫn nước nhằm mục đích làm cho lưu lượng dòng chảy giảm đi, lượng cát không bị lực nước kéo đi ra ngoài. Bể bẫy cát được thiết kế là một đoạn bể có chiều vát góc về một đáy nghiêng 45 độ nhằm làm lực ma sát kéo các hạt cặn có kích thước lớn chìm xuống đáy bể. Ở đây sẽ được bố trí máy bơm hút cát sẽ được bơm theo ngày hoặc theo giờ tùy theo lượng cát lắng đọng.
  4. Mương chắn rác tinh được đặt sau song chắn rác trung bình và sau bể bẫy cát, có thể sử dụng tấm Inox dày 2mm để gia công đục các lỗ 4 – 5mm để nhằm loại bỏ các loại rác có kích thước nhỏ như tóc, các loại rác nhỏ… Riêng song chắn rác tinh các bạn lên làm rộng và lớn gấp 2 – 3 lần song chắn rác thô để không bị quá tải do các loại rác mắc vào, và một lý do nữa là khoảng cách các lõ nhỏ hơn sẽ hạn chế dòng nước chảy qua, chính vì vậy nếu làm bằng kích thước song chắn rác thô thì rất có thể gây ra tắc cục bộ.

Hệ thống bể điều hòa. Hệ thống xử lý nước thải công nghiệp

Hệ thống đĩa phân phối khí thô dưới đáy bể điều hòa.

Bể điều hòa là đơn vị xử lý được đặt phía sau bể bẫy cát và song chắn rác, bể điều hòa có các chức năng chính sau:

  1. Ổn định lưu lượng nước cấp vào một cách đột ngột gây quá tải.
  2. Là đơn vị xử lý đầu tiên giúp chuyển hóa một phần COD thành BOD ( Tuy không nhiều ).
  3. Hòa trộn đồng đều các chất gây ô nhiễm của các dòng thải khác nhau.

Để tránh trường hợp nước cấp vào đột ngột gây quá tải cho hệ thống xử lý, bể điều hòa sẽ được thiết kế với dung tích đủ lớn ( Thời gian lưu từ 6 – 15h ) giúp lượng nước thải tràn về ồ ạt không gây tràn hệ thống.

Ở bể điều hòa sẽ được lắp đặt hệ thống phân phối khí, các bạn lên lựa chọn đĩa phân phối khí thay cho ống đục lỗ, vì lượng khí đi ra bằng các lõ đục sẽ rất thô, khả năng hòa tan ô xy vào nước rất thấp, chính vì vậy việc lựa chọn đĩa phân phối là một lựa chọn hiệu quả cho quá trình xử lý. Quá trình nước lưu trữ ở bể điều hòa được tính bằng nhiều giờ chính vì vậy ở đây sẽ được tập kết một lượng vi sinh vật hòa trộn trong bùn, tuy không cao nhưng cũng có khả năng xử lý được phần nào chất ô nhiễm để giảm tải cho các đơn vị phía sau.

Bể điều hòa với đặc thù là bể có khả năng chứa lớn, hàm lượng ô xy cung cấp nhiều giúp hòa trộn các dòng thải với nhau đồng đều để ổn định mức độ ô nhiễm trong dòng thải giúp hệ thống xử lý phía sau hoạt động ổn định hơn.

 

Bể vi sinh kỵ khí. Hệ thống xử lý nước thải công nghiệp

Bể vi sinh kỵ khí là đơn vị xử lý kế tiếp sau bể điều hòa, mục đích lớn nhất của bể kỵ khí là chuyển đổi COD thành BOD, quá trình này gọi là quá trình bẻ gãy mạch các hợp chất hữu cơ có khối lượng lớn, khó phân hủy thành các chất hữu cơ có kích thước nhỏ dễ phân hủy hơn.

Bể vi sinh kỵ khí hay còn gọi là bể UASB là một loại bể sử dụng công nghệ dòng chảy ngược để xử lý các loại nước thải có hàm lượng COD cao từ 500 ==> 20.000mg/l.

Bể UASB có tên gọi như vậy là lấy từ viết tắt trong cụm từ Upflow Anearobic Sludge Blanket ( Có nghĩa là dòng chảy ngược ). Hiện nay bể UASB sau nhiều năm vận hành hiện giờ đã được thiết kế tốt hơn trước rất nhiều.

Bể vi sinh kỵ khí có nhiều cách thiết kế khác nhau, nhưng nói đến hiệu phân hủy chất hữu cơ với hàm lượng cao thì bể UASB đang là lựa chọn hoàn hảo nhất. Tuy nhiên bên cạnh khả năng xử lý tốt thì phương án vận hành và diện tích xây dựng bể là một điểm trừ cực lớn.

Cách hoạt động của bể vi sinh kỵ khí:

Ảnh sử tầm

  Bể UASB được thiết kế bằng hình trụ có đường nước được cấp từ dưới đáy bể lên ( Phần này hiện giờ đã được thay đổi cấp từ trên xuống dưới theo ống dẫn trung tâm, thay cho cấp nước trực tiếp từ dưới đáy bể, bởi vì cấp dưới đáy bể lên nếu hệ thống van một chiều không tốt sẽ dẫn đến tình trạng nước bị quay hồi lại bể điều hòa dẫn tới lượng bùn bị thất thoát ). lượng nước sẽ được phân tán đồng đều trên toàn bộ tiết diện của bể để tăng tối đa hiệu quả xử lý của lượng bùn vi sinh. Lượng nước được cấp mới vào sẽ có hướng đi ngược lên trên với lưu lượng dòng chảy đạt 0,5 – 0,8m/h ( Nghĩa là cứ 1 giờ lượng nước sẽ dâng được 0,5 – 0,8m ). Để phát huy tối đa hiệu quả phân hủy các hợp chất hữu cơ,bể UASB được thiết kế với dung tích lớn thông thường thời gian lưu trong bể từ 20 – 28h.

Bể UASB được thiết kế là môi trường kỵ khí lên quá trình hoạt động của các vi sinh vật yếm khí sẽ phân hủy các hợp chất hữu cơ thành các phân tử hữu cơ có kích thước nhỏ  ” Chất hữu cơ + Vi Khuẩn kỵ khí ==> Co2 + H2S + CH4( VÍ dụ: Bạn muốn ăn thịt lợn, bạn không thể an cả con được, phải phải chế biến con lợn thành các miếng nhỏ đề ăn vừa, thì quá trình phân hủy chất hữu cơ cũng vậy). Quá trình các loại vi sinh yếm khí hoạt động để phân hủy chất hữu cơ sẽ sinh ra sản phẩm phụ là Co2 và CH4 nếu không có đường thoát khí ra ngoài sẽ gây sự sáo trộn cực mạnh bên trong, nếu trường hợp xấu có thể phá vỡ kết cấu bể.

Khi vận hành hệ thống bể UASB các bạn lên lưu ý một vài điểm sau:

  • Thời gian lưu bùn.
  • Nhiệt độ trong bể 25 – 40oC.
  • Độ PH 6.5 – 8.5.
  • Sự biến động của nước nguồn đối với các hàm lượng kim loại nhủ Fe, Zn, Cu, KCn….
  • Các chất dinh dưỡng.

Trong nhiều trường hợp nước sau bể UASB nồng độ PH sẽ bị giảm do quá trình metan hóa, nếu không nâng PH lên mức ổn định sẽ ảnh hưởng đến quá trình xử lý vi sinh phía sau.

Bể vi sinh hiếu khí. Hệ thống xử lý nước thải công nghiệp

Bể vi sinh hiếu khí là đơn vị xử lý nằm phía sau hệ thống bể vi sinh yếm khí.Trong bể xử lý sinh học hiếu khí yếu tố quan trọng là PH, giá trị PH trong nước quyết định đến sự phân hủy các hợp chất hữu cơ, giá trị PH hợp lý đạt từ 6.5 – 8.5. Bể vi sinh Hiếu Khí khác với bể vi sinh yếm khí là PH trong nước sẽ có chiều hướng tăng lên.

Trong bể vi sinh hiếu khí sẽ được lắp đặt các đĩa phân phối khí tinh, đĩa phân phối khí có chức năng cung cấp các bọt khí mịn giúp tăng độ ô xy hòa tan trong nước thải nhằm mục đích tăng mật độ hoạt động của các vi sinh vật.

Giá trị PH hiệu quả:

  1. Giá trị PH 6.5 – 8.5 là quá trình phát triển tốt nhất cho các chủng vi sinh vật.
  2. Giá trị PH < 6.5 sẽ ức chế quá trình phát triển vi sinh vật.
  3. Giá trị PH > 8.5 sẽ ức chế quá trình phân hủy các hợp chất hữu cơ.

Khả năng xử lý COD và BOD:

  1. Phụ thuộc vào mật độ vi sinh vật.
  2. Nhiệt độ của nước thải.
  3. Lượng ô xy hòa tan trong nước thải.
  4. Phụ thuộc vào PH của nước thải.
  5. Phụ thuộc vào chủng loại vi sinh vật.
  6. Phụ thuộc vào nồng độ bùn vi sinh hoạt tính.

==> Khả năng xử lý chất hữu cơ phụ thuộc rất lớn vào các loại vật liệu mang vi sinh, các bạn lên lựa chọn các vật liệu mang vi sinh có diện tích bề mặt lớn, để tiết kiệm diện tích xây dựng bể vi sinh.

==> Thời gian lưu lý tưởng trong bể vi sinh hiếu khí từ 5 – 10H, tùy nồng độ ô nhiễm trong nước thải.

Những lưu ý khi vận hành hệ thống bể vi sinh:

Quá trình vận hành hệ thống xử lý vi sinh thường gặp các hiện tượng sau:

  1. Xuất hiện nhiều bọt trắng nổi trên bề mặt bể vi sinh.
  2. Xuất hiện bọt màu nâu nổi trên bề măt bể vi sinh.
  3. Xuất hiện bọt màu đen.
  4. Xuất hiện mùi + mùi.

Cách khắc phục:

==> Xuất hiện nhiều bọt màu trắng nổi trên bề mặt bể vi sinh: Hiện tượng này thường xuất hiện chủ yếu vào giai đoạn đầu vận hành hệ thống bể vi sinh hoặc thời tiết thay đổi đột ngột các vi sinh vật không thích nghi kịp thời.

Hiện tượng này sảy ra các bạn lên hạn chế hoặc không cấp nước mới, sục khí thật mạnh trong vòng 24h rồi cho lượng nước thải đi vào nhỏ giọt giúp vi sinh vật thích nghi từ từ.

==> Xuất hiện bọt màu đen: Nguồn nước thải có chứa chất màu hoặc thiếu ô xy trong nước.

Nếu là chất màu thì cần kiểm tra lại nguồn nước thải đầu vào.

Nếu thiếu ô xy các bạn lên điều tiết lượng khí cấp vào bể vi sinh nhiều hơn.

==> Xuất hiện bọt màu nâu: loại bọt này thường cứng do các loại vi sinh vật dạng sợi hoạt động mạnh bám dính với nhau.

Hiện tượng này do bể phản ứng không phát huy được tác dụng hoặc lượng dầu mỡ có trong nước thải cao dẫn đến hiện tượng đó. cần kiểm tra lại bể tách dầu mỡ và bể phản ứng.

==> Xuất hiện mùi: Do lượng nước thải đầu vào thay đổi, chất ô nhiễm quá lớn dẫn tới hệ thống bị quá tải. Hiện tượng này các bạn lên hạn chế lưu lượng đầu vào, tăng cường sục khí ở bể vi sinh.

 

Bể lắng. Hệ thống xử lý nước thải công nghiệp

Ảnh sưu tầm

 Bể lắng là đơn vị xử lý nhằm loại bỏ các tạp chất thô, có kích thước lớn khỏi nguồn nước. Quá trình lắng diễn ra dưới tác dụng của trọng lực tự nhiên, các bông cặn có kích thước lớn hơn vận tốc dòng chuyển động sẽ chìm dần xuống đáy bể lắng.

Bể lắng được thiết kế nhiều dạng khác nhau nhưng hiệu quả nhất phải kể đến 2 dạng bể lắng sau:

  • Bể lắng đứng.
  • bể lắng ngang.

Bể lắng đứng:

ảnh sưu tầm

Bể lắng đứng hiện nay được ứng dụng phổ biến nhất bởi chúng có khả năng lắng cực tốt, công tác thu gom bùn dễ dàng, không tốn nhiều diện tích xây dựng. Bể lắng đứng thường được xây dựng bằng 2 dạng chính là bể tròn hoặc bể vuông. Trong hai loại thì bể lắng đứng hình tròn là được đánh giá cao hơn hẳn vì khả năng thu nước đồng đều và khả năng thu bùn cũng dễ dàng hơn. Bể lắng đứng được xây dựng với một chiều cao tối ưu từ 4 – 6m, dưới đáy được tạo góc côn thu nhằm thu gom lượng bùn lắng về một điểm dễ dàng hút bỏ.

Bể lắng đứng được thiết kế gồm 8 phần chính:

  1. Phần đường ống thu gom nước: Đây là phần đường ống được thu gom sau hệ thống làm thoáng hoặc sau công đoạn trộn hóa chất. Đoạn đường ống này được tính toán phù hợp với lưu lượng dòng chảy, không được lớn quá vì lớn quá sẽ làm giảm sự va đập của các bông cặn khi đi qua ống, cũng không được quá nhỏ, vì nhỏ quá sẽ gây ra hiện tượng thoát không kịp làm tràn bể cấp vào. Khi tính toán đường cấp vào cần tính được lượng chênh lệch áp xuất giữa bể phản ứng và bể lắng để đưa ra thông số ống chính xác. VD: Khi tính toán đường ống phải lưu ý các thông số sau ( Lưu lượng chảy, áp xuất chênh lệch, hàm lượng cặn, nhiệt độ chất lỏng…)
  2. Phần ống lắng trung tâm là một đường ống được dẫn từ trên thành bể xuống gần đáy bể lắng, tác dụng chính của ống lắng trung tâm là làm lượng nước cấp vào bắt buộc phải đi xuống đáy bể lắng. Đường ống lắng trung tâm còn có tác dụng ổn định dòng nước, không gây ra các đợt sóng lớn do lượng nước mới được cấp vào. Ống lắng trung tâm được tính toán dựa trên lưu lượng dòng chảy, nhưng nhìn chung ống lắng trung tâm sẽ bằng 15 – 25% diện tích bể. Ví dụ: Bể 1m2 sẽ sửu dụng ống D150 – 250mm. ( Chỉ là số liệu tham khảo theo kinh nghiệm, còn các bạn lên tính toán một cách cẩn thận).
  3. Phần phân phối hay còn gọi là nón lắng. Là một thiết bị có đường kính lớn hơn ống lắng trung tâm, đặt cách ống lắng trung tâm khoảng 50 – 80Cm. Mục đích là để phân tán đều dòng nước ra toàn bộ diện tích bể. Nếu không có nón lắng, toàn bộ lực nước rơi tự do từ trên xuống sẽ đi thẳng xuống đáy bể và làm sới tung hết lượng bùn cặn đã lắng ở dưới đáy bể lên. Hiệu quả của bể lắng bị giảm đi đáng kể.
  4. Phần lắng, hay còn gọi là phần diện tích lắng. Phần diện tích lắng được thiết kế với thời gian đủ lâu để các hạt bông cặn có khả năng chìm xuống đáy bể. Phần diện tích lắng được tính bằng giờ, tùy từng loại nước lên thời gian lắng sẽ khác nhau. Ví dụ: ( Nước có hóa chất thời gian lưu 4 – 6 giờ, Nước không hóa chất: 12 – 48h ) Hiện nay các hệ thống xử lý nước đều lựa chọn cung cấp hóa chất để giảm bớt giá thành và diện tích xây dựng bể lắng. Thời gian lắng đủ lâu lượng cặn chìm xuống đạt 95 – 98% lên nước sau lắng sẽ trong, chỉ còn lại 1 ít hạt cặn có kích thước rất nhỏ, tỉ trọng nhỏ bằng hoặc lớn hơn chút xíu sẽ đi theo dòng nước và chảy ra ngoài.
  5. Phần thu bùn hay gọi là phần côn đáy: Côn đáy bể có tác dụng sử dụng trọng lực lớn của các hạt chìm xuống đáy bể, nếu không có phần côn đáy này lượng bùn chìm xuống đáy bể sẽ bị dàn chải, không tập trung vào 1 điểm chính vì vậy khả năng xả bỏ bùn thải là rất khó. Chính vì vậy tất các các loại bể lắng đều có phần côn đáy giúp lượng cặn sẽ đi về nơi có vùng thấp nhất để dễ dàng xả bỏ bùn cặn.
  6. Phần xả bùn: là phần để loại bỏ bùn ra khỏi bể lắng, nếu không loại bỏ bùn khỏi bể lắng mỗi ngày ở đây sẽ tích tụ thêm 1 lượng bùn nhất định, theo thời gian sẽ đầy cả bể lắng và không còn hiệu suất lắng nữa. Phần xả bùn này có nhiều kiểu lấy bùn ra, nhưng phổ biến là sử dụng motor hoặc làm bể trên cao rồi xả tự do về bể chứa bùn.
  7. Phần máng thu nước: Phần máng thu nước được đặt ở trên cùng cách thành bể khoảng 50Cm để tận dụng tối đa diện tích bể lắng. Máng thu nước được làm bằng BTCt rồi đánh thăng bằng, nếu có điều kiện các bạn có thể sử dụng các tấm Inox là máng răng cưa để thu nước, vì máng Inox có thể di động được, khi mực nước dâng lên cao, các bạn sẽ chỉnh cân bằng làm sao để lượng nước được thu đều vòng quanh bể lắng.
  8. Phần thanh chắn bùn: Thanh chắn bùn có thể sử dụng các loại vật liệu như Inox, Thép, Nhựa để chế tạo thành các góc nghiêng nhằm ngăn lượng bùn nổi đi ra khỏi nước. Lượng bùn nổi sẽ bị thanh gạt bùn giữ lại nổi trên mặt bể lắng mà không đi theo dòng nước quấn ra ngoài.

Bể lắng ngang. Hệ thống xử lý nước thải công nghiệp

Nhìn chung bể lắng ngang dễ thi công hơn bể lắng đứng rất nhiều. Tuy nhiên bể lắng ngang lại chiếm một diện tích lớn gấp nhiều lần bể lắng đứng. Bể lắng ngang sử dụng chiều dài của bể để lắng các hạt bông cặn xuống đáy bể. Khi xây dựng bể lắng ngang, dòng chảy sẽ được bố trí các vách ngăn đặt các lỗ thu nước so le với nhau để tạo được đường đi dài nhất. Nhìn chung bể này có kết cấu giống một con sông có dòng chảy uốn lượn để khi lượng nước thô đi vào đầu kia, đến điểm thu nước là được lượng nước trong, không còn vẩn đục.

Bể lắng ngang tuy rất dễ xây dựng nhưng có một nhược điểm rất lớn đó là khả năng thu bùn lắng khó khăn hơn nhiều, bởi vì bể lắng ngang được chải dài theo một chiều nhất định, muốn vệ sinh bể lắng ngang hiệu quả nhất chắc chỉ có tát cạn rồi rửa là hiệu quả cao nhất. Nhưng với khối lượng nước dự trữ lớn như vậy thì khi tát cạn là một bài toán cần cân nhắc.

Phần bể lọc. Hệ thống xử lý nước thải công nghiệp

Phần bể lọc gồm nhiều công nghệ khác nhau như: Bể lọc nhanh, bể lọc áp lực, bể lọc tự rửa nhìn chung các loại bể này kết cấu giống nhau nhưng cách thức thiết kế khác nhau. Nhưng mục đích cuối cùng là loại bỏa các chất ô nhiễm có trong nước nguồn, để đem lại nguồn nước an toàn cho chúng ta sử dụng.

Kết cấu và độ dày các lớp vật liệu lọc:

  1. Sỏi đỡ kỹ thuật dày 10 – 30cm: là lớp nằm dưới cùng, lớp này sẽ nằm trên hệ thống thu nước. Mục đích của lớp sỏi đỡ nhằm ngăn chặn các hạt cát có kích thước nhỏ chui vào các rảnh nhỏ của hệ thống ống thu nước. Nếu không sử dụng lớp sỏi đỡ sẽ gây ra các hạt cát có kích thước nhỏ bám vào khe hở hệ thống thu nước dẫn đến lưu lượng lọc bị giảm sút rất nhanh, quá trình rửa lọc phải diễn ra thường xuyên hơn. Lớp vật liệu lọc này thông thường sẽ được đổ cao hơn phần thu nước khoảng 10 – 20Cm để giúp ngăn chặn tốt lớp cát nhỏ ảnh hưởng đến hệ thống thu nước.
  2. Phần cát lọc dày 30 – 80Cm: Phần này các bạn lên lựa chọn cát thạch anh, bởi vì cát thạch anh có nhiều cạnh sắc, khi sắp xếp với nhau các khe rỗng sẽ không quá to, làm cho các bông cặn bị giữ lại hiệu quả. Mục đích khác là lớp cát thạch anh này rất dễ rửa lọc bởi tính chất dễ bị đánh tan khi gặp áp lực nước đưa vào, không bị bí như cát vàng và cát đen.
  3. Lớp than hoạt tính: Lớp than hoạt tính dày từ 10 – 30Cm tùy theo lưu lượng hoạt động của hệ thống lọc. Lớp than hoạt tính là sử dụng các loại than có độ hấp phụ lớn ( Những loại than khi cho vào nước sủi bọt trắng li ti nổi lên trên mặt nước, mức độ sủi càng lâu thì chất lượng than càng tốt ). Lớp than hoạt tính có chức năng hấp phụ các chất hữu cơ có trong nước. Tuy nhiên hàm lượng hữu cơ quá cao lớp than hoạt tính sẽ mất tác dụng rất nhanh. Chính vì vậy khi lựa chọn than cần lựa chọn loại than tốt, có chỉ số hấp phụ Iot cao, độ ẩm thấp, độ rỗng hạt cao… các bạn lên hạn chế sử dụng than viên nén, bởi dòng than này không có tác dụng hấp phụ chút nào cả, các cửa hàng bán lẻ thường sử dụng loại than này vì giá thành rẻ, dễ bán hàng, nhưng chất lượng chỉ ngang bằng với cát thạch anh.

Khử trùng nước:

Khử trùng nước là khâu cuối cùng trong hệ thống xử lý nước cấp. Khử trùng có tác dụng loại bỏ các loại vi sinh có trong nước nguồn như E.coli, Colifrom.

Phương pháp diệt khuẩn có nhiều cách khác nhau như: Dùng tia cực tím, sử dụng hóa chất…..

Nhìn chung sử dụng hóa chất là hiệu quả vượt bậc bởi nước có ngậm hóa chất sẽ không bị xâm nhập vi sinh từ bên ngoài vào. Vì vậy đến hiện nay hóa chất vẫn là phương án hiệu quả nhất.

Đánh giá

Chưa có đánh giá nào.

Hãy là người đầu tiên nhận xét “Hệ thống xử lý nước thải công nghiệp”