Bệnh tả là gì? Nguyên nhân và cách phòng tránh bệnh tả
Bệnh tả được xếp vào một trong những căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Bởi nó có thể khiến người bệnh mất mạng nếu không được chữa trị kịp thời. Căn bệnh này đã xuất hiện lâu đời ở nhiều quốc gia trên thế giới và Việt Nam cũng đã ghi nhận được rất nhiều trường hợp nhiễm bệnh. Vậy, bệnh tả là gì? Nó có nguyên nhân do đâu? Tại sao chúng ta bị nhiễm bệnh và cách phòng tránh là gì?
Bệnh tả là gì?
Bệnh tả hay tả (tên tiếng anh là Cholerae) thuộc nhóm những bệnh truyền nhiễm cấp tính xảy ra ở đường tiêu hóa. Tả được gây ra bởi các tác nhân vi khuẩn tả Vibrio cholerae. Nó thuộc nhóm bệnh truyền nhiễm nguy hiểm thường gặp. Theo đó, bệnh chủ yếu gây nôn mửa, tiêu chảy,… Khiến bệnh nhân mất nước, điện giải. Nếu không được điều trị kịp thời sẽ gây tử vong do trụy tim mạch và kiệt sức.
Nguyên nhân gây bệnh
Như đã nói ở trên, vi khuẩn gây ra bệnh tả ở người có tên là Vibrio cholerae. Hình dáng của nó có dạng cong giống như dấu phẩy, có khả năng di chuyển nhanh vì có một lông. Môi trường sống thuận lợi cho chúng là nơi có nhiều chất dinh dưỡng, trong nước, thức ăn, cơ thể của những loại động vật biển. Khi sống trong môi trường có nhiệt độ lạnh vi khuẩn này có thể kéo dài sự sống từ vài ngày đến 2 – 3 tuần. Các vi khuẩn này sẽ bị diệt trừ nếu rơi vào nhiệt độ cao 80 độ C/5 phút, các hóa chất diệt khuẩn hay trong môi trường axit.
Theo như nghiên cứu và thống kê, bệnh tả lây qua đường tiêu hoá (phân và miệng). Mà nguyên nhân chính khiến dịch tả bùng phát là do hậu quả của ô nhiễm môi trường. Đặc biệt là nguồn nước sinh hoạt bị ô nhiễm. Ngoài ra các loại thực phẩm tươi sống như sò, ốc, trái cây, rau củ quả cũng có thể chứa vi khuẩn gây bệnh tả.
Bệnh tả thường ở vùng có điều kiện vệ sinh kém, môi trường ô nhiễm, nguồn nước bẩn, dân cư đông đúc,… Bệnh có thể lây nhiễm cho mọi lứa tuổi. Đặc biệt nguy hiểm khi xuất hiện ở người già và trẻ nhỏ bởi họ thường có sức đề kháng yếu hơn người bình thường. Bên cạnh đó, một số trường hợp như: Người suy dinh dưỡng, người bị giảm hoặc không có axit trong dạ dày, người có hệ miễn dịch bị tổn hại,… khi bị nhiễm vi trùng tả cũng dễ bị bệnh.
Vì sao chúng ta nhiễm khuẩn tả?
- Ăn uống kém vệ sinh, không rửa tay trước khi chế biến và sau khi đi vệ sinh.
- Điều kiện kinh tế khó khăn, các vùng nghèo đói, dân trí thấp, thủ tục lạc hậu, thiên tai lũ lụt.
- Bị giảm axít dạ dày.
- Thường xuyên ăn rau sống, hải sản có vỏ, thức ăn chưa được nấu chín kỹ.
- Thực phẩm bẩn, có nguồn gốc từ những nơi ô nhiễm.
- Nguồn nước bị ô nhiễm, không có các phương pháp xử lý đúng cách.
Những triệu chứng khi bị bệnh tả
Sau khi nhiễm vi khuẩn phẩy tả khoảng 12 – 24 giờ bệnh nhân sẽ có biểu hiện tiêu chảy. Với thời gian ủ bệnh từ vài giờ đến 5 ngày và lây truyền mạnh nhất vào thời kì toàn phát. Do đó, mọi người nên chú ý những biểu hiện để có cách xử lý kịp thời. Tránh để thời gian quá lâu, sẽ gây ra những biến chứng nguy hiểm. Vi khuẩn tả thường có những giai đoạn như sau:
Biểu hiện lâm sàng
- Đầy bụng, sôi bụng.
- Khởi phát tiêu chảy đột ngột ban đầu có phân lỏng sau đó đi toàn nước.
- Tính chất của phân: lỏng, toàn nước màu trắng đục như nước vo gạo, mùi hôi tanh.
- Bệnh nhân đi tiêu chảy liên tục có thể 30-40 lần/ngày. Và mất khoảng 5 – 10 lít nước/ngày.
- Nôn xuất hiện sau khi tiêu chảy. Nôn nhiều và toàn nước.
- Không có biểu hiện đau bụng. Hoặc chỉ đau ít, không sốt.
- Mất nước: người mệt lả, suy kiệt, mắt trũng, da nhăn nheo, khát nước, mạch nhanh, huyết áp hạ, co cơ,…
Giai đoạn nặng
- Giảm nôn và tiêu chảy.
- Bệnh nhân lờ đờ, mệt lả, mê sảng, ù tai, hoa mắt.
- Nhịp thở nhanh nông, mắt trũng sâu
- Da xanh tím, chân tay lạnh.
- Bị hạ thân nhiệt. Nhiệt độ < 35ºC, mạch nhanh nhỏ khó bắt. Huyết áp tụt và loạn nhịp tim.
- Thiểu niệu hoặc vô niệu.
- Trong giai đoạn này nếu không kịp thời điều trị bệnh nhân sẽ tử vong vì choáng.
Giai đoạn hồi phục
Chỉ sau vài giờ điều trị bệnh nhân sẽ tỉnh trở lại, da hồng hào, ngừng nôn ói. Sau 3-5 ngày hết tiêu chảy.
Cách phòng tránh bệnh tả
Trong sinh hoạt
Luôn rửa sạch tay bằng xà phòng hoặc dung dịch diệt khuẩn sau khi đi vệ sinh, khi nấu nướng, trước và sau khi ăn uống, ở ngoài đường về, sau khi đụng vào những đồ vật chứa nhiều vi khuẩn như tiền, bàn ghế công cộng, sách báo…
Đảm bảo thìa, đũa, bát đĩa, xoong nồi, cốc chén hay những dụng cụ chứa đồ ăn, đồ uống luôn sạch sẽ. Hạn chế tích trữ bát đĩa bẩn trong bồn rửa, không được để các dụng cụ này luôn ẩm ướt. Thay miếng rửa bát thường xuyên.
Nên giữ vệ sinh cơ thể để phòng tránh bệnh tả. Cắt móng tay thường xuyên để có thể đảm bảo vi khuẩn từ móng tay không dính vào thực phẩm khi chế biến hoặc khi ăn. Luôn nhắc nhở, tạo thói quen cho trẻ nhỏ không ngậm tay hay đồ chơi…
Trong ăn uống
Thực phẩm cần mua ở những nơi đảm bảo xuất xứ rõ ràng, tránh mua phải thực phẩm bẩn nhiễm hóa chất. Cần rửa và vệ sinh thực phẩm tươi sống bằng nước muối, chanh, giấm. Thức ăn sau khi nấu nên ăn ngay trong vòng 2 giờ. Hạn chế để thức ăn thừa qua đêm vì lượng vi khuẩn trong thực phẩm gia tăng. Không nên ăn những thực phẩm tươi sống nếu chưa chắc chắn về độ sạch.
Bệnh tả có khả năng bùng phát thành dịch lớn. Đặc biệt là ở những vùng có ý thức vệ sinh kém hoặc thói quen ăn uống tái sống, thực phẩm lên men… Do đó, khi có những biểu hiện lâm sàng. Hãy nhanh chóng đến cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị kịp thời.